Dệt May Khó Khăn

Dệt May Khó Khăn

Biên lợi nhuận gộp của toàn ngành giảm 4,3 điểm phần trăm do các nhà cung cấp xơ sợi phải giảm giá bán

Biên lợi nhuận gộp của toàn ngành giảm 4,3 điểm phần trăm do các nhà cung cấp xơ sợi phải giảm giá bán

Đóng cửa nhà máy, thanh lý tài sản

Khó khăn ập đến, một công ty có doanh thu nhiều năm vài nghìn tỉ đồng và lãi hàng trăm tỉ đồng như Garmex Sài Gòn (GMC) cũng khó chống đỡ.

Từ công ty may rất lớn ở TP.HCM với 5 nhà máy, khoảng 4.000 công nhân, đến hết tháng 9 chỉ còn vỏn vẹn 37 nhân sự. Báo cáo tài chính cho thấy cả quý 3-2023, Garmex Sài Gòn không ghi nhận bất kỳ đơn hàng nào, khoản thu ít ỏi đến từ... dịch vụ.

Garmex Quảng Nam từng là nhà máy có quy mô lớn nhất trong hệ thống của GMC với 1.200 công nhân. "Nhà máy cả nghìn công nhân, nhưng đơn hàng chỉ đáp ứng 100 người, lại chỉ khoảng 1 - 2 tháng thì càng làm càng lỗ" - ông Lại Hồng Minh, giám đốc nhà máy Garmex Quảng Nam - GMC, cho biết.

Sang quý 4 này, một vài khách hàng tìm đến nhưng đơn hàng quá nhỏ. Trước bài toán cân đối chi phí, vị giám đốc này cho biết nhà máy vẫn đang tạm dừng hoạt động, toàn bộ công nhân nghỉ việc. Hiện nhà máy này cùng một số đơn vị khác thuộc Garmex đang đẩy mạnh tái cơ cấu, rao bán loạt tài sản.

Dự báo khó khăn còn kéo dài, Garmex vẫn chưa có kế hoạch tuyển lại nhân sự, tái khởi động trước thời điểm quý 1-2024. "Mặc dù biết lúc tuyển lại sẽ rất khó khăn, nhưng quả thực chúng tôi cũng không có chi phí để duy trì", ông Minh nói.

Không chỉ Garmex Sài Gòn, một gam màu xám lấn át bức tranh kinh doanh ngành dệt may Việt Nam khi hàng loạt doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính quý 3 với kết quả "đi lùi" so với cùng kỳ năm ngoái.

Danh sách tăng trưởng âm gọi tên những tên tuổi tiếng tăm trong lĩnh vực dệt may như Garmex Sài Gòn, Hòa Thọ, May Hưng Yên, TCM, Sợi Thế Kỷ, Dệt may Huế, May Nhà Bè...

Ông Phí Ngọc Trịnh - tổng giám đốc May Hồ Gươm - cho biết công ty chưa đến mức phải cho công nhân nghỉ việc, thanh lý tài sản nhưng doanh thu giảm đáng kể, thiếu đơn hàng nên buộc phải cắt giảm giờ làm, chờ thị trường phục hồi.

"Vẫn còn quá nhiều khó khăn, chưa thấy tín hiệu phục hồi. Ngoài thiếu đơn hàng, công ty còn chật vật vì đơn hàng nhỏ nhưng giá lại thấp. Mức độ cạnh tranh rất gay gắt", ông Trịnh nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một công ty sản xuất quần áo xuất khẩu tại TP.HCM cho biết trước đây bước vào tháng 10, doanh nghiệp phải làm tăng ca đến 21h - 22h thì bây giờ chỉ sản xuất đến 17h, thứ bảy và chủ nhật không sản xuất, lượng công nhân chỉ còn phân nửa.

Để có đơn hàng duy trì lao động, doanh nghiệp này đã chuyển sang nhận sản xuất đơn hàng nhỏ lẻ, có khi chỉ vài trăm bộ đồng phục, đơn hàng cho các doanh nghiệp bán online.

Lý giải khi kết quả kinh doanh ảm đạm quý 3-2023, bà Phạm Thị Phương Hoa - tổng giám đốc May Hưng Yên - cho biết kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao ở Mỹ, Anh, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... làm giảm nhu cầu về hàng dệt may dẫn đến thiếu đơn hàng, giá gia công giảm mạnh.

Để sống còn đến lúc thị trường hồi lại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tìm mọi cách đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, chấp nhận đơn hàng nhỏ cả trong và ngoài nước. "Công ty chấp nhận cả những đơn hàng khó, có giá gia công giảm mạnh 20 - 40% so với thời điểm trước", bà Hoa cho hay.

Theo ông Cao Hữu Hiếu - tổng giám đốc Vinatex, 9 tháng của năm 2023 là 9 tháng khó khăn nhất trong lịch sử hoạt động của Vinatex. Ngay cả trong giai đoạn dịch COVID-19 cũng không căng thẳng như hiện tại.

Tuy nhiên ông Hiếu cho hay trong bức tranh màu xám của thị trường 9 tháng năm nay, dệt may cũng xuất hiện vài điểm sáng như sự tăng trưởng cao của khối các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như Nhật Bản, Canada, Úc, New Zealand. Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng đã mở thêm được một số thị trường mới tại châu Phi và Trung Đông.

Điều này góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu của ngành không bị giảm sâu trong bối cảnh sức cầu các thị trường giảm mạnh.

Làm doanh nghiệp 100% xuất khẩu, ông Phí Ngọc Trịnh cho biết "không còn cách nào khác là chờ cầu thế giới phục hồi" khi trả lời câu hỏi về giải pháp. Ông Trịnh dự báo "cơn bĩ cực" ít nhất phải đến tháng 4 năm sau - khi mùa cao điểm của ngành này đến.

Về triển vọng phục hồi cả ngành, một số tổ chức nghiên cứu đều cho biết thị trường những tháng cuối năm bắt đầu xuất hiện một số tín hiệu phục hồi dù vẫn phải đối mặt với thiếu đơn hàng và chi phí đầu vào tăng.

Ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP.HCM, thông tin bước sang quý 4 này, ngành dệt may "ấm" trở lại vì cả hai thị trường nội địa lẫn xuất khẩu đều có nhu cầu mua sắm tăng.

"Ngành dệt may hy vọng 2024 đỡ hơn vì nhu cầu mua sắm của người dân sẽ quay trở lại, song ngành dệt may vẫn còn đối diện nhiều thách thức khi tình hình thế giới cũng như thị trường chưa ổn định", ông Hồng nói.

Ông Phạm Văn Việt - giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean - cho biết thị trường bây giờ có nhu cầu thấp, giá rẻ, người mua cũng chỉ tiêu dùng các sản phẩm bình dân, không đẩy mạnh mua các sản phẩm thời trang, chi phí cao. Trong giai đoạn cuối năm, ông Việt cho hay doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh sản xuất hàng nội địa. Hiện lượng đơn hàng cũng đã có phục hồi, riêng doanh nghiệp này đã phục hồi khoảng 80% so với trước.

Trong khi đó, ông Vũ Đức Giang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - thông tin dự kiến hết tháng 10-2023, dệt may Việt Nam cán mốc 33,6 tỉ USD, giảm khoảng 11% so với cùng kỳ nhưng vẫn tăng nhẹ so với các tháng trước. Theo ông Giang, trong 2 tháng cuối năm, dệt may vẫn kỳ vọng sẽ cán mốc 40 tỉ USD bởi bước vào tháng trọng điểm của xuất khẩu và một số doanh nghiệp đã bắt đầu có đơn hàng cho quý 1-2024.

Nhận đơn nhỏ lẻ để giữ chân lao động

Khó khăn đến với ngành dệt may bắt đầu từ quý III-2022 và kéo dài tới nay. Nguyên nhân là do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, dẫn đến xu thế tiếp tục thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng tại nhiều quốc gia và hàng hóa dệt may luôn có mặt trong tốp 5 các mặt hàng được tiết giảm. Nhiều DN trong ngành cho rằng, tình hình của ngành dệt may hiện nay thậm chí còn khó khăn hơn giai đoạn dịch Covid-19. Thiếu đơn hàng, giá giảm mạnh là những khó khăn lớn nhất đối với DN.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Sangwoo Việt Nam (xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Ảnh: THU DỊU

Kể ra hàng loạt khó khăn của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, chưa bao giờ DN may quy mô vài nghìn lao động phải nhận đơn hàng 500-700 chiếc áo jacket, nhưng bây giờ phải làm, vì nếu không làm thì không có đơn hàng. Bản thân DN phải nhận cả các mặt hàng không đúng truyền thống, sở trường, ví như DN dệt kim phải nhận hàng dệt thoi hay DN chuyên làm quần âu cũng phải nhận đơn may áo sơ mi. Ngoài ra, gần đây xuất hiện tình trạng đối tác chậm nhận hàng, gây khó khăn về dòng tiền, kho bãi lưu trữ hàng của DN. Ông Cao Hữu Hiếu cũng cho biết thêm, không chỉ đơn hàng giảm mà đơn giá cũng giảm rất mạnh, nhiều đơn hàng gia công có giá giảm tới 50%.

“Trong thời điểm sản xuất, kinh doanh khó khăn như hiện nay, để không cắt giảm lao động, duy trì việc làm cho gần 62.000 lao động và bảo đảm thu nhập bình quân ở mức 9,3 triệu đồng/người/tháng, các đơn vị trong toàn Tập đoàn đã phải hết sức linh hoạt, chấp nhận làm đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh hơn, kỹ thuật cao hơn...", ông Cao Hữu Hiếu thông tin.

Chia sẻ về bức tranh chung của ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, tổng cầu thế giới sụt giảm, sự cạnh tranh để có đơn hàng ngày càng quyết liệt nên buộc nhiều DN phải nhận đơn hàng không phải thế mạnh của mình để duy trì hoạt động, giữ chân người lao động, khách hàng. Thậm chí, có DN phải bán một phần tài sản để trang trải, duy trì hoạt động. Với những thông tin không tích cực đó, 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may chỉ đạt 18,6 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Chia sẻ của một số DN dệt may cho thấy, năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam bị suy giảm do các yếu tố lãi suất, tiền lương, xu thế chuyển dịch đơn hàng. Trong khi đó, các DN đối thủ của ngành dệt may tại Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia đang nhận được chính sách hỗ trợ phục hồi rất tốt.

Theo dự báo, thị trường dệt may và thời trang sẽ gặp nhiều khó khăn trong các tháng còn lại của năm 2023. Tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra dịch Covid-19. Đáng chú ý, dệt may được xác định là ngành phát thải thuộc tốp 5 thế giới. Các quốc gia phát triển đều coi giảm phát thải dệt may là một trong những mục tiêu cần sớm thực hiện. Hiện chuỗi cung ứng đang biến động theo hướng ưu tiên nhà cung cấp có chứng chỉ xanh. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn.

Các ý kiến cũng cho rằng, tổng cầu giảm, đơn hàng ít trên quy mô toàn cầu, đơn hàng cũng sẽ dịch chuyển về những nơi có sức cạnh tranh tốt hơn Việt Nam về chi phí sản xuất. Hiện, so sánh trên bản đồ dệt may, Việt Nam đang mất dần các lợi thế cạnh tranh về giá nhân công. Theo thống kê, chi phí tiền lương trung bình/tháng cho công nhân may mặc của Việt Nam đang ở ngưỡng 300USD/người/tháng, cao hơn so với trung bình toàn cầu ở ngưỡng 200USD/người/tháng.

Đối với ngành may Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm nhận định, phải tối thiểu quý III, sang quý IV mới hồi phục trở lại, sang năm 2024 mới ổn định, phát triển. Chính vì vậy, dự kiến con số xuất khẩu cao nhất ngành dệt may có thể đạt trong năm nay là gần 40 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là khoảng 46-47 tỷ USD. Để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, đại diện VITAS mong muốn Chính phủ khởi động lại chính sách hỗ trợ DN như thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Cần rà soát lại các gói hỗ trợ DN đã sử dụng như thế nào, từ đó tập trung hỗ trợ DN một cách tốt nhất. Theo đó, tiếp tục có hỗ trợ đối với DN như có chính sách cho vay với lãi suất 0% để DN trả lương, hỗ trợ tiền nhà cho người lao động; giãn, hoãn đóng phí công đoàn; có cơ chế thuận lợi hơn để DN tiếp cận vốn vay ưu đãi, tiếp tục giảm lãi suất cho vay...

Về giải pháp lâu dài đối với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS nhấn mạnh, đẩy nhanh tốc độ xanh hóa-số hóa đang trở thành mục tiêu của ngành dệt may để tìm kiếm đơn hàng. Các DN dệt may Việt Nam bắt buộc phải chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, đáp ứng tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu. Song việc chuyển đổi này không thể diễn ra trong một sớm một chiều, mà phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố nguồn lực và con người. DN cần nghiên cứu kỹ những điều kiện cụ thể của DN để có bước đi phù hợp. Từ thực tế của DN, ông Cao Hữu Hiếu cho rằng, thời gian tới, Vinatex sẽ tập trung vào các giải pháp chính như: Đẩy mạnh công tác dự báo thị trường; hỗ trợ, đưa ra định hướng để các đơn vị có thể chủ động lên kế hoạch sản xuất. Ngoài ra, Tập đoàn cũng ưu tiên giữ vững lực lượng lao động trên cơ sở cân đối giữa việc làm và thu nhập, bảo toàn lực lượng lao động để sẵn sàng đón cơ hội khi thị trường phục hồi; tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ, thay đổi nhanh, khó, thời gian gấp. Cùng với đó, Tập đoàn sẽ tập trung cho các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch, nguyên liệu và sản phẩm tuần hoàn để bắt nhịp xu thế phát triển bền vững hiện nay.

Trong khi đó, năng lực cạnh tranh ngành dệt may Việt Nam bị suy giảm do các yếu tố tỷ giá, lãi suất, tiền lương và xu thế chuyển dịch đơn hàng. Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm, các quốc gia trên thế giới đã phải có các chính sách hỗ trợ thị trường phục hồi như giảm giá đồng nội tệ (Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh), chính sách hỗ trợ trực tiếp với doanh nghiệp có đơn hàng sản xuất thông qua nguồn vốn, vận tải…

Trao đổi với phóng viên về những khó khăn đang gặp phải đối với ngành Dệt may, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết, cùng với các yếu tố trên, nếu xét trên lợi thế cạnh tranh tương đối, Việt Nam đang có nhiều hạn chế hơn các quốc gia xuất khẩu khác, trước hết là đồng tiền Việt Nam đang mạnh lên trong quý I vừa qua, trong khi các quốc gia xuất khẩu dệt may duy trì đồng nội tệ rẻ để kích thích xuất khẩu, kể cả Trung Quốc với tỷ giá hiện tại cũng thấp hơn 10% so với giai đoạn trước dịch, hiện ở mức thấp 7,1 CNY/USD so với năm 2018, 2019 ở mức 6,3-6,5 CNY/USD. Cùng với đó là lãi suất khoản vay tại Việt Nam cũng dao động cao hơn mức tại các quốc gia này từ 5-7%/năm.

Ngoài các yếu tố trên, theo thống kê của trang Trading Economics chi phí tiền lương trung bình hàng tháng cho công nhân may mặc của Việt Nam đang ở ngưỡng 300 USD/người/tháng, cao hơn so với trung bình toàn cầu ở ngưỡng 200 USD/người/tháng. Nếu so sánh cụ thể hơn, thì lợi thế về tiền lương của Việt Nam cao hơn so với Bangladesh ở mức 95 USD/người/tháng, Campuchia 190 USD/người/tháng, Ấn Độ 145 USD/người/tháng… Giá điện của Việt Nam đã tăng 3% kể từ ngày 4/5/2023 cũng đã kéo theo nhiều “áp lực” đối với các doanh nghiệp dệt may. Tình trạng mất điện, cắt điện luân phiên trong thời điểm gần đây cũng ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động SXKD của các doanh nghiệp.

Từ thực tế thị trường và các dự báo xu thế trong 2 năm 2023 và 2024, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 17.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 610 tỷ đồng, trong đó doanh thu công ty mẹ đạt 1.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 210 tỷ đồng.

Nhờ linh hoạt ứng phó với những diễn biến bất ổn, bất định của thị trường, dự báo cập nhật nhanh tình hình thị trường dệt may thế giới và trong nước, đảm bảo ổn định lực lượng lao động, trong quý I/2023, Tập đoàn đạt doanh thu hợp nhất 4.462 tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch năm; lợi nhuận hợp nhất 118 tỷ đồng, đạt 19% kế hoạch năm. Quí II, dự kiến doanh thu đạt 4.340 tỷ đồng, đạt gần 25% kế hoạch năm, lợi nhuận đạt 58 tỷ đồng, đạt 9,5% kế hoạch năm. “Tuy có mức suy giảm doanh thu, lợi nhuận so với các năm trước nhưng đây là mức giảm khả quan hơn so với các doanh nghiệp dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam” – ông Hiếu cho biết.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may cho biết thêm, trong thời điểm sản xuất kinh doanh khó khăn, thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp trong hệ thống vẫn duy trì việc làm cho gần 62 nghìn lao động, đảm bảo thu nhập bình quân ở mức 9,3 triệu đồng/người/tháng.

Các đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống người lao động với hình thức phù hợp như: Tặng quà, hỗ trợ cho NLĐ vay tiền giải quyết khó khăn; Vay vốn làm kinh tế; Trợ cấp NLĐ có hoàn cảnh khó khăn; Quan tâm chăm sóc sức khỏe cho NLĐ bị bệnh nghề nghiệp, lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ; Hỗ trợ đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở; Cảm ơn thành viên, tuyên dương khen thưởng NLĐ có thành tích cao, có nhiều sáng kiến, gắn bó với doanh nghiệp… Riêng trong tháng Công nhân năm 2023, các đơn vị trong hệ thống đã hỗ trợ, khen thưởng, tặng quà NLĐ ước tính trên 30 tỷ đồng.

Tiếp tục lấy nhân lực làm đột phá để tạo tăng trưởng chủ yếu từ nhân tố năng suất tổng hợp trong quá trình phát triển, trong 6 tháng đầu năm, Vinatex đã tổ chức một Hội nghị về công tác nhân sự mang tính chất quản trị nhân sự hiện đại, dựa theo một công cụ đánh giá khoa học, khách quan và minh bạch. Tập đoàn cũng tiếp tục tổ chức lớp đào tạo về kiến thức quản trị và kiến thức chuyên ngành dệt may cho các học viên thuộc Chương trình đào tạo Tài năng trẻ - Vinatex Young Talent 2022-2023…

Tổng cầu dệt may thế giới dự báo giảm 8% so với năm 2022

Trong những tháng còn lại của năm 2023, các cuộc khủng hoảng kinh tế, môi trường, xã hội và địa chính trị đi cùng với chủ nghĩa bảo hộ vẫn sẽ gây ra những yếu tố bất ổn trên quy mô toàn cầu. Theo cập nhật mới nhất trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới của IMF, tăng trưởng toàn cầu vẫn sẽ giảm từ mức 3,4% năm 2022 xuống 2,8% năm 2023 và 3% năm 2024.

Theo dự báo, thị trường dệt may và thời trang sẽ gặp nhiều khó khăn trong các tháng còn lại của năm 2023 với mức tăng trưởng doanh số dự báo tương đối chậm từ -2% đến 3% do bị thu hẹp tại thị trường Châu Âu (dự kiến chỉ còn 1% đến 4%). Tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra dịch Covid 19. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế…

Ngành dệt may Việt Nam được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn với sự thiếu hụt mạnh về đơn hàng và chi phí đầu vào tăng cao. Các thị trường xuất khẩu chính vẫn chưa phục hồi trong khi đó cạnh tranh gay gắt vẫn diễn ra ở thị trường nội địa với sự tham gia của nhiều thương hiệu, doanh nghiệp nước ngoài.

Trước những thách thức này, Vinatex tập trung vào các giải pháp chính: Đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, hỗ trợ, đưa ra định hướng để các đơn vị có thể chủ động lên kế hoạch sản xuất; Theo dõi chặt chẽ tình hình tài chính tại các đơn vị, ổn định dòng tiền, đảm bảo khả năng thanh khoản cho các doanh nghiệp; Ưu tiên giữ vững lực lượng lao động trên cơ sở cân đối giữa việc làm và thu nhập, bảo toàn lực lượng lao động để sẵn sàng "đón" cơ hội khi thị trường phục hồi; Tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ, thay đổi nhanh, khó, thời gian gấp. Ngành May linh hoạt cơ cấu chuyển đổi mặt hàng để đảm bảo đơn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngành Sợi nghiên cứu các mặt hàng mới, thị trường mới để đón đầu xu hướng. Phát triển đồng bộ về công nghệ và kỹ thuật cho ngành Dệt nhuộm, nâng cao chất lượng sản phẩm; Tập trung cho các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch, nguyên liệu và sản phẩm tuần hoàn…

Vinatex kiên định với mục tiêu, định hướng trở thành một điểm đến cung ứng trọn gói giải pháp xanh cho khách hàng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành dệt may thế giới, với quy mô hàng đầu Việt Nam và khu vực. Mục tiêu cho giai đoạn 2021 – 2025 là trở thành nhà cung cấp sản phẩm dệt kim phổ thông trọn gói với quy mô sản xuất 30.000 – 35.000 tấn vải/năm. Đồng thời, từng bước nâng cao sản lượng sợi dùng trong nội bộ với mục tiêu 50% sợi nội bộ và 50% vải dệt kim được sử dụng cho ngành may với sản lượng 60 – 70 triệu sản phẩm may mặc/năm./.