Đáp Ca Huy Hoàng Lễ Các Thánh

Đáp Ca Huy Hoàng Lễ Các Thánh

THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC ĐỨC CHA ĐAMINH HOÀNG MINH TIẾN,

THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC ĐỨC CHA ĐAMINH HOÀNG MINH TIẾN,

Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

“Có một điều nghịch lý căn bản trong Tin Mừng: muốn tìm thấy sự sống, phải bỏ mất nó; muốn sinh ra, thì phải chết; muốn được cứu độ, phải nhận lấy thập giá của mình!”

Lịch sử Giáo hội trải qua hơn 2000 năm không thiếu những gương chứng nhân đức tin giúp củng cố lòng đạo nơi các tín hữu. Và cũng như Tin mừng mới đến trên mảnh đất Việt Nam vào giữa thế kỷ XVI, do một linh mục thừa sai tên Inêkhu truyền giáo năm 1533, thế nhưng cũng đã đóng góp vào lòng Giáo hội hoàn vũ tới 130.000 tín hữu chịu tử đạo vì danh Chúa trên khắp cả nước, mà khởi đầu là Anrê Phú Yên hay còn gọi là Anrê Trung chịu tử đạo năm 1644, và kéo dài mãi đến năm 1885 khi phong trào Cần Vương phò vua đã quyết “Bình Tây diệt Tả”, tiêu diệt người ngoại quốc, diệt trừ Kitô giáo. Giai đoạn bách hại nặng nề nhất là vào thế kỷ XIX, trong các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

Lý do bị bách hại là vì Kitô giáo bị coi là ngoại lai, do người Tây đem vào; hoặc vua được coi là thiên tử, phải thờ phượng nhà vua trên hết mà nay Kitô giáo lại tôn thờ Thiên Chúa trến hết; hay vì lý do người Kitô hữu sống một vợ một chồng, điều này đi trái lại ý vua muốn trai năm thê bảy thiếp để có thể sinh ra cho nhà vua một dân tộc lớn mạnh với số dân đông đảo để có người bảo vệ đất nước. Và thậm chí Kitô giáo bị hiểu lầm là những người bỏ việc thờ kính cha mẹ, đi ngược lại với truyền thống tổ tiên nên gọi là Tả đạo và quyết loại bỏ đạo sai trái này.

Vinh phúc tử đạo là phần phúc cao cả nhất dành cho người tin vào Chúa Kitô Giêsu vì được chung phần đau khổ với Người, được vác thập giá mình mà theo Người. Với đa dạng những bậc sống và hoàn cảnh khác nhau từ giáo sĩ tới giáo dân, từ quan lính tới thường dân, từ nhà giàu đến người nghèo bất kể nam phụ lão ấu đều can đảm dùng giá máu làm chứng cho giá trị Tin mừng. Gương sáng của các ngài đã được Giáo hội Hoàn vũ ghi nhận và vinh danh. Vào ngày 19 tháng 6 năm 1988 trở thành cột mốc trọng đại trong lịch sử Giáo hội Công Giáo Việt Nam. Tại quảng trường thánh Phêrô ở Rôma, Đức thánh cha Gioan Phaolô đệ II đã long trọng tuyên phong 117 vị Tử đạo tại Việt Nam lên hàng Hiển Thánh, đại diện cho muôn ngàn tín hữu khác cũng chịu phúc tử đạo.

Trong số 117 vị ấy, có 8 vị Giám mục đều là thừa sai ngoại quốc, 50 Linh mục thì có 13 vị người ngoại quốc và 37 vị người bản địa Việt Nam, 14 Thầy giảng; 1 Chủng sinh và 44 Giáo dân. Trong những cái chết anh dũng ấy, có 1 vị chịu bá đao (một trăm nhát dao), 4 vị chịu lăng trì (tùng xẻo: gõ tiếng trống thì lóc miếng thịt), 6 vị chịu thiêu sống, 75 vị chịu xử trảm, 22 vị bị xử giảo (siết cổ tới chết) và 9 vị chết rũ tù.

Giáo hội Công giáo Việt Nam tự hào và biết ơn cùng sự ngưỡng mộ đối với các bậc tiền bối anh dũng. Qua đó, cũng để nhắc lại gương sáng của các ngài cho hậu thế, Giáo hội Việt Nam sắp khép lại Năm Thánh tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 30 năm biến cố lịch sử trọng đại này, thế nhưng hào khí trở nên chứng nhân cho Chúa Kitô giữa lòng xã hội không hề giảm sút nơi lòng tín hữu con dân Việt Nam, đủ để thấy như lời văn sĩ Tertulianô đã nói: “Máu các vị thánh tử đạo là hạt giống trổ sinh các Kitô hữu”. Vậy chúng ta là những người hậu thế cố gắng trong mỗi ngày sống quyết luôn can đảm làm chứng cho Chúa ngay từ những việc nhỏ bé hằng ngày, từ việc làm dấu, dự lễ sốt sắng, từ đời sống chân thành, chịu đựng lẫn nhau, tận dụng những dịp đến với anh chị em là cơ hội cho mình trở nên chứng nhân cho Chúa với một đời sống tốt lành, như lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng”, ngài đã viết: “Có một điều nghịch lý căn bản trong Tin Mừng: muốn tìm thấy sự sống, phải bỏ mất nó; muốn sinh ra, thì phải chết; muốn được cứu độ, phải nhận lấy thập giá của mình! Amen”.

Tử Đạo giữa đời thường –

(Suy niệm Tin Mừng Lc 9, 23-26 của Dã Quỳ)

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà con người đề cao chủ nghĩa cá nhân, một thời đại mà người ta cạnh tranh nhau quyền cao chức trọng ở mọi lãnh vực, một xã hội mà quyền lợi cá nhân, hưởng thụ và sở hữu được ưa chuộng. Hôm nay, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta “Từ bỏ chính mình, liều mất mạng sống…” để theo Chúa, điều này nghe ra thật phi lý và ngược đời! Thế nhưng, sẽ thật có lý và hợp với đời của một Kitô hữu vì đó là điều kiện tiên quyết để bước theo Chúa. Lời Chúa và mẫu gương của chính Chúa đã hy sinh mạng sống cho nhân loại, và của các Thánh Tử Đạo Việt Nam sẽ là một bảo đảm minh chứng cho chúng ta.

Đường Trần Gian – Đường Thập Giá.

Cuộc đời được ví như một hành trình. Hành trình này chẳng thẳng ngay và không hề nhẹ nhàng êm ái. Lớn hay nhỏ đang sống trong trần gian, chúng ta đều cảm nhận trần gian đầy đau khổ và nước mắt, chẳng thế mà nhạc sĩ nào đó đã viết “Đường nhân gian đày ải chông gai, ai chưa qua chưa phải là người!” Giàu cũng khổ mà nghèo thì khốn khổ hơn! Tiền bạc, chức vị cũng không làm cho người ta hạnh phúc và cũng không mua được bình an. Đau khổ như là một thập giá gắn liền với đời người dù người đó có là môn đệ Chúa Kitô hay không. Thập giá đến với mỗi người mỗi cách khác nhau. Thập giá ấy có thể là từ trong những bất toàn của bản thân, trong bệnh tật, trong khó khăn của cuộc sống. Thập giá cũng có thể là từ những nghịch cảnh thông thường của cuộc đời…

Với người Kitô hữu, chúng ta sẽ gặp thập giá trong cuộc đời khi sống trung thành với giáo huấn của Chúa và Hội Thánh. Thập giá đến khi ta sống ngay thẳng trong buôn bán, thật thà và công bằng trong kinh doanh hay trong giao tiếp. Người ta có thể cho là ta điên rồ, ngược đời hay ngu xuẩn thậm chí bị loại trừ. Thập giá đến với ta trong những chọn lựa từ bỏ mình để yêu thương đón nhận tha nhân ngay cả khi họ vu oan, ghen ghét, làm hại ta… Và thập giá cũng sẽ được ta đón nhận khi ta biết cố gắng sống theo Lời Chúa dạy, biết sửa mình, ăn năn sám hối về những tính hư, nết xấu và tội lỗi của ta để xứng đáng là con cái Chúa.

Khi thập giá đến, chắc hẳn chẳng ai trong chúng ta sẵn sàng đón nhận hay dễ dàng để ôm lấy. Đã là thập giá, thường ta luôn cảm thấy nặng nề, khó vác. Đôi khi ta không dám nghĩ tới và muốn tránh bởi không ai thích đau khổ, thất bại, bị loại trừ, nghịch cảnh, thất vọng chán nản… Và hơn thế nữa, Satan cũng tìm đủ cách lôi chúng ta xa thập giá, vì nó không muốn ta đi vào con đường của Chúa.

Lời Chúa tha thiết mời gọi ta: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Từ bỏ chính mình, không đơn giản chút nào! Từ những cái rất nhỏ trong cuộc sống: người mắng ta một câu, ta muốn đáp lại hai, ba câu. Nhưng từ bỏ mình là bỏ qua, là chấp nhận lời nói không tốt đó và đáp lại bằng lời yêu thương, lời hòa giải. Khó lắm, nó đau ở trong lòng và như nuốt cục phèn vậy, nhưng nếu ta làm được, ta sẽ cảm nhận ngọt ngào trong tâm hồn. Từ bỏ mình trong những chọn lựa theo Tin Mừng, sống yêu thương, tha thứ sẽ như là những cuộc tử đạo âm ỉ từng ngày chứ không chỉ một lần. Trong cuộc sống với những bôn ba cho cơm áo gạo tiền, nhiều khi đặt ta trước những chọn lựa theo công bằng, bác ái đòi ta phải hy sinh mối lợi, mất miếng ăn để chu toàn luật Chúa. Ta sẽ đau lắm và dằn vặt nhưng với ơn Chúa, ta chọn lựa tử đạo khi mất lợi danh và có khi mất cả mạng sống. Tôi nghĩ đến một người đàn ông Công Giáo, đã làm việc thật tốt trong một công ty sản xuất. Thế rồi, vì sống ngay thật, không theo những mánh khóe gian dối với đồng nghiệp nên anh đã lãnh nhận hậu quả là bị hại chết ngay trong chuyến công tác xa, sau bữa ăn cùng nhóm đồng nghiệp ấy. Ta có thể đi vào đường tử đạo khi sống trung thành với Chúa Kitô để bảo vệ sự sống, như một chị y tá nọ sau nhiều năm học tập, chị được chọn vào làm trong một bệnh viện lớn. Thế nhưng, ngay ngày thứ hai đi làm, người ta yêu cầu chị tham gia vào ca phá thai. Chị từ chối, lập tức người ta sa thải chị. Chị mất việc mà chị đã tốn nhiều công sức tiền của để có được. Chị đã vác thập giá cùng với Chúa Kitô! Để chọn lựa vác thập giá hàng ngày, chọn lựa tử đạo suốt đời, ta không thể thực hiện với sức riêng nhưng phải cậy nhờ ơn Thánh và nếu ta tin tưởng cậy dựa vào Chúa, Ngài sẽ luôn giúp ta vì: “Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách” (1Cr 1,4).

Đường Tử Đạo – Đường Tới Vinh Quang.

Ngày nay, trên quê hương chúng ta ít có những cuộc cấm hay bách hại đạo như xưa cha ông ta đã trải qua. Nhưng lại xuất hiện nhiều hơn những dịp thử thách về đức tin tinh vi mà nếu không tỉnh thức, ý thức và có một tâm hồn bén nhạy thì ta sẽ dễ đi vào việc chối đạo, phản đạo và bỏ Chúa qua chính cách sống, lời nói và việc làm của ta. Các Thánh Tử đạo Cha ông chúng ta đã kiên trung thực thi Lời Chúa dạy: “Ai liều mất mạng sống mình vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9, 24). Các ngài yêu Chúa hơn yêu mạng sống mình như lời nói và máu đổ ra của Thánh Phaolo Khoan “Vinh danh chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa và Chúa Cả Trời đất, con xin dâng mạng sống cho Ngài”. Có vị thánh đã từ bỏ chức quyền để giữ vững đức tin và linh hồn như thánh Hồ Đình Hy là quan lớn, thánh Phạm Trọng Tả là chánh tổng nhưng các Ngài chọn Chúa hơn là địa vị ở trần gian. Các ngài chọn gia nghiệp Nước Trời hơn là sản nghiệp trần thế nay còn mai mất “Ai khôn mới biết hiến mình cho chân lý để chiếm hữu phần gia nghiệp muôn đời” (Thánh Phêrô Truật). Các ngài không dẫm lên Thập giá Chúa Kitô nhưng anh dũng bước đi trên đường Thập giá vì các ngài xác tín chỉ qua Thập giá mới tới Vinh quang và cuối đường, chính Chúa Kitô đón các ngài vào hưởng vinh quang hạnh phúc với Người trong Nước Trời, như sách Khôn Ngoan nói: “Người đời nghĩ rằng họ bị trừng phạt, nhưng họ vẫn chan chứa niềm hy vọng được trường sinh bất tử. Và Đức Chúa sẽ là vua của họ đến muôn đời” (Kn 3,4.8)

Trải qua suốt ba thế kỷ bách hại, đã có cả trăm ngàn anh em Kitô hữu chết vì đạo. Gương chứng nhân Đức Tin và lòng hy sinh mạng sống vì Chúa Kit-tô và vì Tin Mừng của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cha ông ta, sẽ là mẫu gương và niềm hãnh diện lôi cuốn chúng ta can trường sống chứng nhân giữa đời thường và dám chọn sống, chết vì đạo. Từ dòng máu anh hùng của cha ông, từ những khổ đau, những đắng cay của các ngài, ta có được hạt giống đức tin hôm nay. Vậy thập giá là một phần quan trọng của đời Kitô hữu và chính Chúa Giê-su đã không khước từ thập giá vì đường thập giá-đường tử đạo mới là đường dẫn tới vinh phúc: “…Người vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người…” (Pl 2,6-11). Lao nhọc, đau khổ, nghịch cảnh, hy sinh, chiến đấu và tử đạo… cần thiết để trở thành một phần của đời người môn đệ Chúa Kitô. Ước gì khi sống giữa đời, mỗi Kitô hữu chúng ta cũng tin tưởng thưa lên như thánh Phaolô “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy… Trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,35-37). Để rồi chúng ta dám sống vì Chúa, chọn lựa theo Chúa, trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh và can trường chết vì Chúa trong những dịp tử đạo giữa đời thường. Vì “Ai liều mất mạng sống vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Mc 8,35).

Nguyện xin Thần Khí Chúa ban ơn khôn ngoan và sức mạnh giúp chúng con biết chọn lựa sống vì Chúa, vì Tin Mừng. Và xin dạy chúng con biết yêu thập giá là dấu chỉ của chiến thắng, của vâng phục, của tình yêu và của con đường dẫn đến ơn cứu độ. Amen.