THÁNH LỄ (MASSES)THỨ HAI - THỨ SÁU (MONDAY - FRIDAY) 11:00 AM THỨ BẢY (SATURDAY): 8:30 AM, 4:00 PM, 6:00 PM (Không có thánh lễ 4:00pm nếu 3 chương trình không sinh hoạt)CHÚA NHẬT (SUNDAY): 7:30 AM, 9:30 AM, 11:30 PM, 5:00 PMRửa Tội: Sacrament of BaptismTrong Các Thánh Lễ (Tuần thứ 4 trong tháng)In The Masses (4th week of the month).Thứ Bảy (Saturday): 6:00 PMChúa Nhật (Sunday): 9:30 AM, 11:30 AM, 5:00 PM
THÁNH LỄ (MASSES)THỨ HAI - THỨ SÁU (MONDAY - FRIDAY) 11:00 AM THỨ BẢY (SATURDAY): 8:30 AM, 4:00 PM, 6:00 PM (Không có thánh lễ 4:00pm nếu 3 chương trình không sinh hoạt)CHÚA NHẬT (SUNDAY): 7:30 AM, 9:30 AM, 11:30 PM, 5:00 PMRửa Tội: Sacrament of BaptismTrong Các Thánh Lễ (Tuần thứ 4 trong tháng)In The Masses (4th week of the month).Thứ Bảy (Saturday): 6:00 PMChúa Nhật (Sunday): 9:30 AM, 11:30 AM, 5:00 PM
(Suy niệm Lc 9,23-26 của Lm. Trầm Phúc)
ANH EM ĐỪNG LO PHẢI NÓI LÀM SAO HAY PHẢI NÓI GÌ.
Hôm nay Giáo hội Việt Nam long trọng mừng kính các thánh tử đạo tại Việt Nam, 117 vị đã được Giáo hội tuyên phong hiển thánh, nghĩa là nhìn nhận nhân đức anh hùng của các ngài, và xem các ngài như những gương sáng cho chúng ta là con cháu các ngài. Các ngài đã can đảm hy sinh mạng sống trong khổ hình vì yêu mến Chúa, trung thành đến cùng.
Mừng các thánh phải chăng là nhắc nhớ một kỷ niệm, tôn vinh lòng can đảm của các ngài? Nếu thế thì cũng không khác gì người đời tưởng niệm những vị anh hùng đã hy sinh cho đất nước.
Chúng ta mừng các thánh không chỉ là nhắc nhớ những người đã chết mà là nhắc đến những người đang sống. Người đời không biết điều đó. Chúng ta tin rằng các ngài đã chết, nhưng hiện nay các ngài vẫn sống trong Chúa. Mối liên hệ của chúng ta với các ngài là một mối liên hệ sống động, thân thương, chứ không chỉ là kỷ niệm.
Khi còn sống ở trần gian, các ngài cũng yếu đuối như chúng ta, cũng mang nặng kiếp người như chúng ta, “vác thập giá mỗi ngày để theo Chúa” như chúng ta, nhưng hôm nay, các ngài đã đạt đến vinh quang thiên quốc đang đứng trước ngai tòa Con Chiên, tay cầm nhành thiên tuế. Các ngài đã liều mất mạng sống vì Chúa.
Nếu chúng ta ở trong tình trạng của các ngài, liệu chúng ta có dám hi sinh tất cả như các ngài không?
Chịu bách hại gần như là thân phận của những người theo Chúa kể cả chúng ta. Đi vào lịch sử của dân Do Thái là dân Chúa, chúng ta thấy rằng dân này đã bước đi giữa những cơn bách hại liên tục. Họ bị bách hại ở Ai Cập và sau này họ vẫn bị bách hại một cách dã man, nhất là trong thời Maccabê mà chúng ta đã nghe tường thuật một ví dụ trong bài đọc sách Maccabê.
Những người theo Chúa cũng bị bách hại. Vua Đavit cũng bị vua Saun bách hại. Các tiên tri đều qua những cơn bách hại dai dẳng. Và sau cùng là Chúa Giêsu bị bách hại ngay khi mới sinh, và suốt đời Ngài luôn bị săn đuổi cho đến khi chết trên thập giá. Ngài chính là vị tử đạo cao cả nhất trong các vị tử đạo, là vị tử đạo thần linh. Và chính Ngài cũng đã nói: “Nếu họ đã ghét Thầy thì họ cũng sẽ ghét anh em”.
Các Tông đồ cũng chịu chung một số phận là trở thành những con chiên bị đem đến lò sát sinh. Và qua nhiều thế kỷ, Giáo hội tiên khởi cũng trải qua những cơn bách hại đẫm máu. Hiện nay, Giáo hội luôn bị bách hại khắp nơi trên thế giới. Nhiều nơi, những cuộc bách hại trở nên khốc liệt, tinh vi và dã man chưa từng thấy.
Những cuộc bách hại mang nhiều hình thức, lúc công khai, đẫm máu, lúc âm thầm, nham hiểm, nhưng luôn là những cố gắng để tiêu diệt Giáo hội. Chúa Giêsu đã tiên báo điều này và luôn khuyến khích chúng ta bền tâm chịu đựng: “Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính… Hãy vui mừng vì phần thưởng của các ngươi sẽ trọng đại ở trên trời”.
Chúng ta thấy Chúa Giêsu chịu bách hại, nhưng Ngài luôn bình thản chịu đựng “con chiên hiền lành bị đem đi đến lò sát sinh mà không hở môi. Ngài lại xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Ngài. Các thánh tử đạo cũng luôn bình thản chấp nhận mọi khổ hình không nao núng, không hận thù, luôn kiên nhẫn và can đảm, nhiều vị còn tỏ ra vui mừng, điều làm cho mọi người phải ngạc nhiên. Họ đi ra pháp trường như đi vào một lễ hội. Tại sao?
Chỉ vì họ chứng tỏ lòng tin và tình yêu của họ đối với Đấng đã yêu thương và đã chết cho họ. Vì họ biết rằng chết đối với họ là một vinh dự, một chiến thắng như Thầy chí thánh đã chiến thắng thế gian bằng cái chết đau thương. Họ biết rằng, đây là một bằng chứng tình yêu mà họ thể hiện trong chính sự yếu hèn của họ. “Không có tình yêu nào trọng đại cho bằng dám chết cho bạn hữu”. Vì yêu, họ bỏ mình, vác thập giá theo Thầy của họ. Đối với các ngài, tình yêu là chóp đỉnh của cuộc sống. Như thánh Phaolô, không gì có thể làm cho họ nao núng, không có gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô, dù khổ đau, gươm giáo…” “Tôi luôn vui mừng trong những gian lao khổ cực tôi chịu vì Chúa”.
Ông Tertulianô đã nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống gieo người tín hữu”. Các thánh tử đạo tại Việt Nam chính là mầm giống hôm nay đã sinh hoa kết quả. Giữa mọi khó khăn, người tín hữu vẫn trung thành giữ vững đức tin, vẫn kiên trì sống yêu thương không hận thù, vẫn cố gắng đem đến cho xã hội mình sống “một nền văn minh của tình thương”, như thánh Gioan -Phaolô đã nói.
Hôm nay, chúng ta vẫn luôn đương đầu với những khó khăn để sống đức tin, để trung thành với Chúa. Đó là cuộc tử đạo liên lỉ của chúng ta. Thánh Phaolô đã nói: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người…” Cuộc tử đạo của chúng ta không đổ máu, nhưng cũng không kém cam go. Cuộc tử đạo của chúng ta cũng như các ngài là một cái chết hằng ngày trong tin yêu. “Bỏ mình vác thập giá và theo Ngài”. Tử đạo theo nguyên ngữ Hy Lạp là làm chứng. Đời sống của mỗi người chúng ta phải là một bằng chứng cho sự thánh thiện và tình yêu của Thiên Chúa giữa thế gian. Người tín hữu, dù ở đâu, mọi thời, mọi lúc phải là bằng chứng cho Chúa của mình bằng một đời sống ngay chính và yêu thương. Các thánh tử đạo đã được vinh dự đổ máu vì Chúa, chúng ta không được vinh dự đó, nhưng cuộc sống chính là môi trường để chúng ta chứng tỏ tình yêu của chúng ta đối với Chúa Giêsu. Sống tốt trong một thế giới đầy gian ác và thù hận không là một việc dễ dàng. Từ chối tội lỗi, từ chối tất cả những gì làm nhơ nhuốc lương tâm cũng là một điều không mấy người làm được. Đó là cuộc tử đạo của chúng ta hôm nay.
Chúa Giêsu, vị tử đạo thần linh của chúng ta biết chúng ta phải cực khổ như thế nào để trung thành với Ngài. Ngài không bỏ rơi chúng ta trong sự yếu hèn của chúng ta. Ngài vẫn ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Ngài đã dùng tấm bánh tình yêu là chính thân thể Ngài để làm của ăn nuôi dưỡng chúng ta trên con đường về quê thật, củng cố niềm tin của chúng ta, giúp chúng ta biết yêu thương một cách vẹn toàn hơn. “Không có Thầy, anh em không thể làm việc gì”. Chúng ta cần được nuôi dưỡng bằng tấm bánh Tình Yêu để sống trong tình yêu, gắn bó với Ngài đến cùng. Hãy ăn lấy Ngài để cho Ngài tiếp nối công trình cứu chuộc của Ngài trong mỗi người chúng ta, cho đến tận thế.
Các vị tử đạo Việt Nam đều có kinh nghiệm sống từng lời của đoạn Tin Mừng hôm nay: bị nộp, bị đánh đập, bị điệu ra trước vua quan, bị tra hỏi, bị thù ghét và cuối cùng là bị giết. Tất cả những gì các ngài phải chịu đều vì Đức Giêsu (c.18), vì Danh Đức Giêsu (c.22).
Các ngài cũng có kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa.
Bầu khí của toà án là bầu khí của Thiên Chúa Ba Ngôi. “Chính Thần Khí của Chúa Cha sẽ lên tiếng trong anh em” để tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu (c.19-20)
Cái chết của vị tử đạo cho thấy sức mạnh của Thiên Chúa được thi thố nơi một con người mỏng dòn yếu đuối.
Chết vì Đạo là một cách làm chứng.
Làm chứng cho một niềm tin kiên vững: Vì tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ, nên các ngài không bước qua thánh giá.
Làm chứng cho một tình yêu nỏng bỏng: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13)
Làm chứng cho một niềm hy vọng mãnh liệt: có sự sống đời sau, có hạnh phúc vĩnh cửu, cái chết đưa tôi giáp mặt với Đấng tôi yêu. Các vị tử đạo đã làm chứng bằng cái chết.
Chúng ta được mời gọi làm chứng bằng cuộc sống.
Làm chứng nào cũng đòi phải hy sinh, mất mát, thiệt thòi, vì đòi ta lội ngược dòng với thế gian sa đọa.
Các vị tử đạo thường bị đặt trước thánh giá. Bước qua là được tiếp tục sống sung sướng an nhàn. Không bước qua là phải chịu tù đày, đòn vọt, mất tất cả và mất chính mạng sống. Chỉ cần một bước chân, là mọi sự thay đổi.
Đã có người bước qua, và cũng có người không. Có người bị khiêng qua thánh giá, nhưng đã co chân lên, như thánh Antôn Nguyễn Đích. Có người bước qua, nhưng sau lại hối hận. Đó là trường hợp của ba vị thánh quân nhân: Âutinh Huy, Nicôla Thể và Đaminh Đạt. Có người được mời giả vờ bước qua thánh giá để quan có cớ mà tha, như thánh Micae Hồ Đình Hy, nhưng họ đã thắng được cơn cám dỗ tinh vi ấy.
Đứng trước thánh giá là đứng trước một lựa chọn. Tôi chọn Ngài hay tôi chọn tôi? Không có giải pháp dung hoà hay lấp lửng. Giây phút đứng trước thánh giá là giây phút quan trọng. Quyết định không bước qua thánh giá là kết tinh của những đêm dài cầu nguyện, của việc chiến thắng những mời mọc khéo léo, của việc thắng vượt những sợ hãi, giằng co nội tâm, của những Vườn Dầu trong ngục thất…
Thời nào chúng ta cũng được đặt trước thánh giá, dấu hiệu của sự từ bỏ để phục vụ. Lúc nào chúng ta cũng có nguy cơ bước qua thánh giá, bằng đời sống hưởng thụ và ích kỷ của mình.
Làm chứng bằng cuộc sống. Theo ý bạn, người Công Giáo Việt Nam phải sống thế nào để làm chứng về Đức Giêsu cho những đồng bào chưa biết Chúa?
Bị cám dỗ bước qua thánh giá, có khi nào bạn có kinh nghiệm đó trong đời thường không?
Lạy các thánh tử đạo Việt Nam, các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.
Sự hy sinh của các ngài cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt. Dù mang phận người yếu đuối, nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng, các ngài đã chiến thắng khải hoàn.
Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài biết can trường sống đức tin của bậc cha anh trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa, biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu bằng một đời hiến thân phục vụ.
Ước gì ngọn lửa đức tin mà các ngài đã thắp lên bằng cuộc sống và cái chết, được bừng tỏa trên Tổ Quốc Việt Nam.
Ước gì máu thắm của các ngài thấm vào mảnh đất quê hương để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.
Trong số 117 vị Tử Đạo Việt Nam, được phong thánh năm 1988, có một phụ nữ duy nhất, mẹ của 6 người con. Đó là bà Anê Lê Thị Thành, còn gọi là bà Đê.
Trước khi là một anh hùng tử đạo, bà đã là một người mẹ hiền gương mẫu. “Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục các con. Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý, sau lại dạy cách dự thánh lễ và xưng tội rước lễ.” Đó là lời khai của cô con gái út trước giáo quyền.
Nhà bà Đê là nơi các linh mục trú ẩn. Buổi sáng lễ Phục Sinh năm 1861, quan Tổng Đốc Nam Định cho quân bao vây làng của bà. Bà Đê bị bắt lúc đã 60 tuổi. Bà bị đánh đập tra tấn, bị ép phải chối đạo, bị lôi qua Thánh Giá, bị bỏ rắn độc vào người. Khi con gái đến thăm bà trong nhà giam, đau đớn vì thấy quần áo mẹ loang đầy vết máu, bà đã an ủi con với một niềm lạc quan lạ lùng: “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?” Sau ba tháng chịu đủ mọi cực hình, người phụ nữ ấy đã hiến đời mình cho Chúa.
Cuộc đời của vị thánh nữ tiên khởi của Việt Nam là một sức nâng đỡ lớn cho chúng ta. Thiên Chúa đã làm điều phi thường nơi một người phụ nữ già nua, yếu đuối. Quan “Hùm Xám” tỉnh Nam Định cũng phải bó tay trước sự yếu đuối kiên vững của bà.
Khôn ngoan và đơn sơ, can đảm chịu đau khổ, bà thánh Đê đã phó mặc cho Chúa đời mình. Bà chẳng lo phải nói gì, phải làm gì trước tòa án, vì sức mạnh của Thánh Thần ở với bà.
Hội Thánh thời nào cũng cần những người dám sống vì đức tin, dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời.
Sống đức tin là một loại tử đạo không đổ máu, không đòi hy sinh mạng sống, nhưng lại đòi hy sinh cả tương lai vững vàng ổn định.
Mỗi ngày, chúng ta thường bị đặt trước những chọn lựa, trước thập giá của Đức Giêsu, y hệt như các vị tử đạo ngày xưa.
Có khi chúng ta đã bước qua thập giá, khi chọn mình, đã chối Chúa bằng chính cuộc sống.
Càng có tự do, ta lại càng dễ sa sút đức tin. Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc vẫn là những thụ tạo gây ra những cuộc bách hại êm ả và khủng khiếp mà cuối cùng chúng ta cũng phải đối diện.
Ước gì chúng ta không để mất đức tin được mua bằng giá máu của bao vị tử đạo, và ước gì chúng ta không ngừng chuyển giao đức tin ấy cho hơn 70 triệu đồng bào trên quê hương.
Các vị tử đạo làm chứng cho Chúa bằng cách hy sinh tính mạng. Theo ý bạn, trong thời đại đất nước mở cửa, đâu là cách thức làm chứng của người kitô hữu? (làm chứng ở trường, ở nơi làm việc, ở các chỗ giải trí vui chơi…)
Theo ý bạn, xã hội hôm nay dễ nhạy cảm với cách làm chứng nào của người kitô hữu? Phải sống như thê nào để người ta dễ có cảm tình với Đức Giêsu?
Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm. Sự hy sinh của các ngài cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt. Dù mang phận người yếu đuối, nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng, các ngài đã chiến thắng khải hoàn. Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài biết can trường sống đức tin của bậc cha anh trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa, biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu bằng một đời hiến thân phục vụ. Ước gì ngọn lửa đức tin mà các ngài đã thắp lên bằng cuộc sống và cái chết, được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam. Ước gì máu thắm của các ngài thấm vào mảnh đất quê hương để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.